Tin tức » Nguyên lý hoạt động của côn xe ô tô

Nguyên lý hoạt động của côn xe ô tô

Cập nhật : 2019-10-11

Côn xe ô tô còn gọi là bộ ly hợp, là cầu nối trung gian giữa động cơ với hộp số, cầu chủ động, và bánh xe

        Từ “côn” xuất phát từ đâu tôi cũng không rõ lắm, có người cho rằng xuất phát từ chữ “cone” trong tiếng Tây, mô tả bộ phận này có hình nón. Từ “ly hợp” có vẽ rõ nghĩa hơn. Nó mô tả được công dụng tách ra hay hợp lại để truyền hoặc ngắt momen từ động cơ đến bánh xe (qua hộp số và cầu xe).

Hình ảnh bộ ly hợp xe ô tô

        Vậy tác dụng của bộ ly hợp (Côn) là gì?

        Khi động cơ hoạt động, thì trục khuỷu luôn quay, kể cả khi xe đang dừng bánh và máy ở trạng thái chờ (số 0).

        Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu bánh xe kết nối vĩnh viễn với động cơ (mà không có bộ ly hợp) thì sao?. Khi đó xe của bạn sẽ hoạt động giống như xe ô tô điện của trẻ con: cứ động cơ chạy thì bánh xe quay. Còn muốn xe dừng bánh thì động cơ phải tắt đi. Nghĩa là xe đi hay dừng là do động cơ chạy hay không.

       Như thế thì quá bất tiện. Để không bị phụ thuộc như trên, người ta mới nghĩ ra hệ thống ly hợp (gọi tắt là côn): cho phép động cơ vẫn hoạt động, còn xe dừng hay chạy, nhanh hay chậm đều được. Như vậy, côn trên xe ô tô có tác dụng chính là đóng hoặc ngắt kết nối giữa máy và bánh xe.

       Nếu động cơ chạy và côn đóng kết nối thì bánh xe quay. Nếu ngắt kết nối thì bánh xe quay chậm lại theo quán tính rồi từ từ dừng hẳn. Việc ngắt côn cho phép tài xế tăng giảm số hoặc dừng xe mà động cơ vẫn hoạt động (không bị chết máy).

       Côn xe hoạt động như thế nào

       Để hiểu cách điều khiển côn, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu một chút về cách hoạt động của bộ phận này. Trước hết bạn hãy xem hình sau để mường tượng sơ bộ:

Mô phỏng bộ ly hợp

       Trên hình là 2 trục với bánh đà. Một trục đang quay là trục nối với động cơ. Trục còn lại nối với bánh xe (thông qua hệ thống trung gian: hộp số, cầu truyền động). Khi 2 bánh đà tách rời nhau, nghĩa là lúc bạn đạp côn, thì chỉ trục động cơ quay còn trục kia không quay. Khi bạn nhả chân côn, 2 bánh đà ép sát chặt vào, lực ma sát làm cho trục kia cũng quay theo, nhờ đó bánh xe mới chuyển động. Như vậy, hoạt động chính của bộ ly hợp được thực hiện thông qua trạng thái 2 bánh đà ép vào nhau (truyền động) hoặc tách rời nhau (ngắt truyền động).

       Trên thực tế, cấu tạo và hoạt động của bộ ly hợp gồm nhiều chi tiết phức tạp hơn. Nhưng về nguyên lý hoạt động cơ bản thì như tôi đã mô tả ở trên. Khi nắm được cách thức hoạt động của bộ ly hợp, giờ ta sẽ tìm hiểu tiếp nội dung chính của bài này về…

         Cách sử dụng côn

       Sử dụng côn là kỹ thuật cho phép người lái kiểm soát tốt tốc độ xe. Thao tác với côn thành thạo giúp bạn thực hiện tốt trong quá trình điều khiển xe như: Khởi hành và dừng xe; Tăng giảm số; Đề-pa trên dốc.

       Trong quá trình mới bắt đầu học lái xe số sàn, để bắt đầu luyện tập cách sử dụng côn xe ô tô, bạn nên chọn nơi đường bằng và vắng người qua lại. Bạn cũng có thể nhờ xe người nhà hoặc bàn bè, nhưng nên có người hướng dẫn ngồi cùng xe để đảm bảo an toàn. Khi bắt đầu tập chân côn, bạn chuẩn bị sẵn sàng: xe đã nổ máy, hạ hết phanh tay, thắt dây an toàn, và ghế đã được điều chỉnh phù hợp để có thể đạp hết côn mà không bị với… Bạn có thể bắt đầu thực hiện các bước như sau:

       - Đạp hết côn rồi vào số 1

       - Nhấn nhẹ chân ga để máy khỏe hơn, sao cho vòng tua lên khoảng 1000 vòng/phút

       - Quan sát phía trước và xung quanh để đảm bảo an toàn

      - Nhả nhẹ và từ từ chân côn

      - Khi côn bắt đầu bám (lá côn tiếp xúc với tang trống), bạn sẽ thấy xe hơi rung rung nhẹ và bắt đầu từ từ chuyển động. Mỗi xe có điểm bám côn nhất định, thường là vị trí khi bạn nhả được khoảng ⅓ hành trình.

       Giờ khi côn đã bám, và xe bắt đầu chuyển động từ từ, bạn lại đạp hết côn và đạp nhẹ phanh để dừng xe (mà không chết máy). Lặp lại quá trình này từ bước 2 đến bước 4: lại tăng ga một chút cho máy khỏe hơn, nhả côn từ từ để xe khởi hành chậm, rồi lại đạp hết côn và phanh để dừng xe. Bằng cách lặp lại nhiều lần những bước này, bạn sẽ dần cảm nhận được rõ hơn vị trí côn bắt đầu bám.

       Khi đã nắm được cách sử dụng côn xe ô tô, bạn chuyển sang luyện thao tác tiếp: điều chỉnh tốc độ bằng chân côn. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, thay vì đạp hết côn và phanh để dừng xe, bạn chỉ hơi đạp nhẹ côn để xe chuyển động chậm dần. Nhưng ngay khi xe chạy chậm lại (mà chưa dừng), bạn lại nhấc nhẹ chân côn để xe lại chạy nhanh hơn một chút. Và lặp lại những thao tác đó nhiều lần...

       Về bản chất, bạn đang cho xe chạy tốc độ chậm nhất có thể, và đó cũng là kỹ thuật chạy xe rất thông dụng trong thực tế như khi bò qua những chỗ đông người (qua chợ, hoặc gặp tắc đường). Người ta cũng gọi kỹ thuật này là chạy xe bằng côn.

       Sử dụng côn trong các bài tập

       Khi đã quen với việc điều khiển côn nêu trên, bạn sẽ luyện tiếp việc kết hợp điều khiển côn với các thiết bị khác như ga, số, phanh tay… để thực hiện những bài tập khác, chẳng hạn như:

      - Tăng giảm số: kết hợp côn ra - ga vào để tăng giảm giữa các số cho phù hợp với tốc độ xe và tình huống trên đường.

      - Đề pa lên dốc: Phối hợp côn với phanh chân, phanh tay, và số để dừng xe và khởi hành lên dốc sao cho xe không chết máy, không tụt dốc.

      Khi xe khởi hành ở số 1, bạn nên nhả côn từ từ để tránh xe bị giật hay chết máy, nhưng từ số 2 trở lên thì có thể nhả côn nhanh hơn vì xe đã có quán tính.

      Khi xe chạy trên đường trong điều kiện bình thường mà không sử dụng côn, bạn nên bỏ hẳn chân khỏi bàn đạp côn. Như vậy vừa có thể nghỉ cho chân đỡ mỏi, vừa tránh gây ảnh hưởng không tốt đến một số bộ phận của bộ ly hợp. Cần đặc biệt lưu ý tránh thường xuyên tì chân côn lưng chừng trong quá trình chạy xe, vì như vậy tạo lực ma sát làm lá côn chóng bị mòn.

       Khi dừng xe tạm thời (chẳng hạn chờ đèn đỏ), bạn nên về số 0 (số mo) và nhả côn. Không nên đạp hết côn và để số khi xe đang dừng tạm thời. Việc nhả côn như vậy giúp bạn có thể nghỉ chân trái, và sơ xuất bỏ chân côn dẫn tới xe chết máy.

       Khi tìm hiểu cách lái xe số sàn, bạn sẽ thấy phức tạp cũng là ở côn mà tiện lợi cũng là ở côn. Vì vậy, cần học và luyện cho nhuần nhuyễn, để sử dụng được tối đa lợi thế của bộ ly hợp khi điều khiển xe. Chúc bạn lái xe an toàn và thành công.

Hỗ trợ trực tuyến

  • Sale Hotline Điện thoại: 0911.885.995
  • Mr. THÀNH Điện thoại: 0911.885.995
  • Mr. NGỌC Điện thoại: 0978996769

Thống kê

  • Phụ tùng ô tô Luxgen
  • Phụ tùng ô tô Ford
  • Phụ tùng ô tô Honda
  • Phụ tùng ô tô Nissan
  • Phụ tùng ô tô Toyota